Sau khi thực hiện xong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp mới sẽ cần tiến hành một số công việc để giúp doanh nghiệp hoạt động hợp pháp.
Vậy những công việc đó là gì?
-
Công bố nội dung đăng ký kinh doanh
Theo quy định tại Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trong thời gian không quá 30 ngày sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật.
Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây:
Ngành, nghề kinh doanh;
Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có).
Trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, những thay đổi tương ứng phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
-
Khắc dấu
Ngay sau khi thành lập, doanh nghiệp phải có thực hiện khắc dấu.
Con dấu thể hiện tính pháp lý cho các văn bản được doanh nghiệp lập ra.
Từ ngày 01/01/2021, doanh nghiệp sẽ không cần thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu.
-
Mở tài khoản ngân hàng
Theo Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính với những hóa đơn đầu vào có giá trị lớn hơn 20 triệu phải chuyển khoản, thì mới được khấu trừ thuế GTGT và ghi vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy Doanh Nghiệp phải mở tài khoản ngân hàng để giao dịch với khách hàng.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứ không cần thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp nữa.
-
Đăng ký thuế lần đầu
Hiện nay, các thông tin đăng ký thuế ban đầu, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp trong tờ khai đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư; chứ không phải thực hiện đăng ký thuế ban đầu với cơ quan quản lý thuế trực tiếp (Chi cục thuế quận/huyện nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động) nữa.
Tuy nhiên, sau khi đã nhận Giấy phép kinh doanh và đã thông báo sử dụng mẫu con dấu, thì doanh nghiệp vẫn phải liên hệ với cơ quan quản lý thuế trực tiếp để nộp một số giấy tờ khai thuế ban đầu.
-
Khai, nộp lệ phí môn bài
Doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai, nộp lệ phí môn bài khi mới ra hoạt động kinh doanh cho Chi cục Thuế quản lý trực tiếp.
Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (sau đây gọi chung là Đơn vị phụ thuộc) kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh; thì, doanh nghiệp thực hiện khai, nộp lệ phí môn bài cho các Đơn vị phụ thuộc đó với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp có Đơn vị phụ thuộc kinh doanh ở khác địa phương cấp tỉnh; thì, các Đơn vị phụ thuộc đó tự khai, nộp lệ phí môn bài với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp mình.
Doanh nghiệp và Đơn vị phụ thuộc khai lệ phí môn bài một lần khi mới ra hoạt động, kinh doanh, chậm nhất là vào ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh;
Trường hợp mới thành lập nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
Danh nghiệp cần đăng ký mua Chữ ký số để nộp tờ khai.
-
Đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động
Theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu doanh nghiệp có những đối tượng là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, là người quản lý điều hành doanh nghiệp có hưởng lương thì phải kê khai số lượng người lao động đó đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi công ty đặt trụ sở.
Nếu doanh nghiệp có người lao động thuộc đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội mà không đóng sẽ bị xử phạt, truy thu đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội.